Được đánh giá là một trong những quốc gia nhiệt đới, giàu tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng trái cây, thế nhưng, hiện nay, trái cây Việt Nam mới chỉ chiếm vỏn vẹn 1% thị phần toàn thế giới. Để mở rộng thị phần, các Bộ, ngành đã công bố hàng loạt giải pháp
Xuất khẩu trái cây “thăng hoa” trong mùa dịch
Năm 2021, hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng trái cây đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức gây ra bởi dịch COVID-19. Đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở nhiều địa phương đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu cả nước.
Vải là mặt hàng trái cây xuất khẩu thành công nhất trong năm 2021.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng rau, quả, trái cây của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu các loại trái cây, hoa quả đang chiếm trên 70% trong giá trị xuất khẩu. Hiện các loại hoa quả Việt Nam xuất nhiều nhất ở khu vực châu Á, tiếp đến là châu Mỹ và châu Âu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại quả tươi sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Thị trường Trung Quốc cũng đã có mặt 9 loại quả tươi của Việt Nam theo đường xuất khẩu chính ngạch, gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng.
Nhật Bản cũng được coi là một thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng của Việt Nam khi đây là một trong 10 thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn trên thế giới.
Hiện nay Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chuối, xoài, thanh long và vải sang Nhật Bản. Nhu cầu của thị trường Nhật Bản cho các loại quả tươi này là rất lớn, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Tương tự, Australia cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu các loại quả tươi vải, xoài thanh long và nhãn từ Việt Nam.
Bên cạnh các quốc gia xuất khẩu truyền thống nêu trên, hoa quả, trái cây Việt Nam ngày càng phổ biến tại thị trường châu Âu, như Hà Lan, Bỉ, Ý hoặc tại một số quốc gia châu Phi.
Trái cây Việt Nam mới chỉ chiếm vỏn vẹn 1% thị phần toàn thế giới
Được đánh giá là một trong những quốc gia nhiệt đới, giàu tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng trái cây, thế nhưng, hiện nay, trái cây Việt Nam mới chỉ chiếm vỏn vẹn 1% thị phần toàn thế giới.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Thế Phương – đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản cho biết, có 2 lý do đang cản trở sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Thứ nhất là hàng loạt lý do đã tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, bao gồm trái cây Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, vùng nguyên liệu trồng trọt chưa được chuẩn hóa, vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này khiến cho chất lượng trái cây “made in Việt Nam” thiếu đồng đều.
Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam chưa đa dạng hóa đầu ra xuất khẩu, vẫn bị phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, nhất là Trung Quốc. Do đó, mỗi khi thị trường có biến động là lại xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa.
“Đa phần, trái cây Việt Nam xuất khẩu thuộc nhóm nhiệt đới, vì vậy, thời gian bảo quản rất ngắn, nếu không sử dụng chất bảo quản sinh học, ngay cả những loại chất được cho phép, thời gian giữ cho trái cây tươi cũng chỉ được vài ngày, tối đa là 10 ngày là hỏng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới lượng trái cây xuất khẩu đi nước ngoài cũng như tiêu thụ trong nước”, ông Phương cho biết.
Ngoài hàng loạt lý do đã tồn tại trước đó, ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều di chứng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua.
Theo ông Phương, trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trái cây trong nước còn đối mặt với hàng loạt khó khăn mới phát sinh, như chi phí vận chuyển tăng cao, do các địa phương giãn cách xã hội, hạn chế đi lại.
“Trong đợt giãn cách tháng 8, tháng 9 vừa qua, chuỗi cung ứng của chúng tôi gần như bị đứt, nhất là khâu vận chuyển hàng hóa trong nước gần như tê liệt. Chi phí vận chuyển cũng vì vậy mà tăng rất cao”, ông Phương nói.
Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm container, cước vận chuyển hàng xuất khẩu không ngừng tăng lên. Chi phí vận chuyển đến các thị trường như Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2 đến 3 lần trong năm qua và đang tiếp tục tăng mạnh.
Điều gì giúp trái cây Việt Nam “thăng hạng” trên thị trường quốc tế?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam đã và đang nhận được “xung lực” tăng trưởng rất lớn, đến từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đã có hiệu lực.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ: Trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan vài năm gần đây nhưng với số lượng cũng không nhiều.
Để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu, theo bà Diệp, là quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư lớn, từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần). Đặc biệt là nguồn cung ổn định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, bản thân các doanh nghiệp trong nước cần cải thiện hình thức mẫu mã, bao bì, chất lượng, không cạnh tranh giảm giá.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng nước sở tại cũng rất quan trọng. Nếu không làm điều này, sẽ rất ít người tiêu dùng biết đến trái cây Việt Nam.
Nhằm tạo tiền đề trong giai đoạn “bình thường mới”, Chính phủ cùng một số Bộ, ngành liên quan đã công bố hàng loạt giải pháp hỗ trợ ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam hồi phục và tăng trưởng.
Trong đó, Bộ Công Thương đã làm rất tốt việc xúc tiến thương mại, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam ra thị trường quốc tế. Thành quả rõ nét nhất, chính là thành công của trái vải xuất khẩu trong niên vụ năm nay vượt mức mong đợi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thúc đẩy quá trình chuyển đối số xúc tiến thương mại, thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định: Xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường thì lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm.
Chính vì vậy phải nhìn nhận thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh xuất khẩu truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp.
Về phía ngành nông nghiệp: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chủ trương hướng dẫn các địa phương thiết lập và quản lý các vùng trồng trọt nhằm đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp.
Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch, bền vững và trách nhiệm.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm phục vụ xuất khẩu, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp và hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng mới để chủ động kết nối thông tin với thị trường.