Theo số liệu của Tổng Cục hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 2,32 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt hơn 855 triệu USD, tăng 14%, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,4 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Brazil trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng ở một số mặt hàng, như hàng dệt may (14%), máy móc và thiết bị (25%), túi sách, vali (27%), phương tiện vận tải và phụ tùng (79%), sắt thép các loại tăng đột biến (345%), kim loại thường khác và sản phẩm (107%), xơ, sợi dệt các loại (12%). Một số sản phẩm có chiều hướng giảm như hàng thủy sản (-33%), cao su (-41%), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (-48%), điện thoại và linh kiện (-13%).
Hiện nay, do chi phí vận chuyển và logistic tăng đã tác động đến hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt tình hình chiến sự Nga – Ukraine đã tác động tiêu cực cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa. Việc này đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng dây chuyền đến các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong đó có Brazil.
Ở chiều ngược lại, các sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ Brazil giảm nhẹ trong 4 tháng đầu năm 2023, nguyên nhân vì Việt Nam chủ yếu cần nhập các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước đáp ứng cho nhu cầu trong nước và phục vụ sản xuất để xuất khẩu, tuy nhiên tình hình xuất khẩu giảm, nên nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất giảm.
Mặc dù vậy, một số mặt hàng vẫn tăng nhập khẩu cho nhu cầu chế biến, sản xuất, cụ thể ngô (tăng 333%), chất dẻo nguyên liệu (tăng 34%), máy móc, thiết bị phụ tùng (tăng 119%). Nguyên nhân là để đáp ứng nhu cầu cao về nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp chế biến trong nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu các thị trường khác.
Brazil là đối tác thương mại lớn nhất Mỹ Latinh đối với Việt Nam và trong Top 3 của Việt Nam tại châu Mỹ, thường chỉ sau Hoa kỳ. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Brazil năm 2021 đạt 6,36 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2020.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 2,26 tỷ USD, tăng 24%, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 4,09 tỷ USD, tăng 41% so với năm 2020.
Trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt hơn 2,24 tỷ USD, giảm 1%, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 4,55 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Hiện, doanh nghiệp hai nước chủ yếu triển khai các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường trong nước cho cả hai bên. Hai bên chưa có các nhà đầu tư của nhau, do đó, xu hướng hợp tác đầu tư tại hai nước là cần thiết, đáp ứng tốt hơn cho cung cấp sản phẩm tại thị trường mỗi bên.
Brazil là thị trường rất lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Thị trường không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể được tiếp nhận tại thị trường rất đông này.
Bên cạnh những mặt thuật lợi, giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Brazil vẫn còn những khó khăn, thách thức không nhỏ. Theo đó, khoảng cách địa lý xa. Các phương tiện vận chuyển chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên. Sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore. Các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội của Việt Nam vẫn chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường, trong đó có thị trường Brazil.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường này, ông Ngô Xuân Tỵ – Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil – kiến nghị, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, thuận lợi trong xuất khẩu,
Bởi vấn đề logistics ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore. Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil, vì đây là cữa ngỏ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ.
Về phía các doanh nghiệp, Hiệp hội, và địa phương nên phối hợp Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp như Hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,… tại Brazil và các nước kiêm nhiệm, nhất là Peru, Bolivia. Hiện Thương vụ Việt Nam tại Brazil đang làm việc với các đối tác tại Santa Cruz, trung tâm kinh tế lớn nhất của Bolivia để tìm hướng thúc đẩy xuất khẩu.
“Thị trường Peru là thị trường mở, rất tiềm năng. Là cơ hội để tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Peru, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hóa nhập khẩu nếu chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp nên có nhiều chương trình xúc tiến và giới thiệu sản phẩm tại Peru”, ông Ngô Xuân Tỵ cho biết thêm.
Ngoài ra, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và cùng bảo vệ để mở rộng thị trường. Mặt khác, cần làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh.